Loading Now

Trí Tuệ Nhân Tạo Và Cuộc Chiến Chống Lại Covid-19 Như Thế Nào?

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang làm gì trong cuộc chiến không khoan nhượng với Virus Covid-19 khi đã có 197.342 trường hợp tử vong và hơn 2,8 triệu trường hợp nhiễm bệnh trên toàn thế giới?

COVID-19 là một đại dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2, hiện đang ảnh hưởng và gây thiệt hại trên phạm vi toàn cầu. Dịch bệnh này bắt đầu xuất hiện từ tháng 12 năm 2019,với tâm dịch đầu tiên được ghi nhận là thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung Trung Quốc, bắt nguồn từ một nhóm người bị mắc bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân. Y tế địa phương xác nhận trước đó nhóm người này đã có tiếp xúc, chủ yếu là với những thương nhân buôn bán và làm việc tại chợ bán buôn hải sản Hoa Nam, nơi bày bán và giết mổ nhiều loài động vật hoang dã và được cho là địa điểm bùng phát dịch bệnh đầu tiên. Tuy nhiên, kết luận này hiện vẫn đang còn gây nhiều tranh cãi. Các nhà khoa học Trung Quốc sau đó đã tiến hành nghiên cứu và phân lập được một chủng loại coronavirus mới, được Tổ chức Y tế Thế giới lúc đó tạm thời gọi là 2019-nCoV, có trình tự gen giống ít nhất 79,5% với SARS-CoV trước đây. Sự lây nhiễm từ người sang người đã được xác nhận cùng với tỷ lệ bùng phát dịch tăng nhanh vào giữa tháng 1 năm 2020[1].  Từ đó đến nay, đã có 197.342 trường hợp tử vong và hơn 2,8 triệu trường hợp nhiễm bệnh trên toàn thế giới.

Khả năng dự đoán bệnh

Khi nói về COVID-19, tốc độ chắc chắn là chìa khóa để phòng và chống lại dịch bệnh này. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã mất quá nhiều thời gian công bố thông tin về nó với người dân. Chính vì thế mà ngay sau đó, một loạt các trường hợp nhiễm bệnh đã được phát hiện trên toàn thế giới, trong đó có những du học sinh, người lao động Việt Nam.

Chúng tôi biết rằng chúng tôi không thể tin tưởng việc người dân sẽ được các chính phủ cung cấp thông tin một cách kịp thời. Vì vậy chúng tôi đã phát triển công cụ này. Chúng tôi có thể thu thập thông tin về các dịch bệnh có thể xảy ra, chúng tôi theo dõi những lời chia sẻ trên các diễn đàn hoặc blog liên quan đến các sự kiện bất thường. Trong trường hợp này, mô hình của chúng tôi đã dự đoán chính xác rằng có 1 loại virus sẽ xuất hiện tại Vũ Hán rồi truyền tới Bangkok, sau đó là Seoul, Đài Bắc và Tokyo”. – Kamran Khan – người sáng lập và giám đốc điều hành của BlueDot – công ty sử dụng phân tích dữ liệu để theo dõi và dự đoán sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu chia sẻ

Ngày 9 tháng 1 năm 2020 là mốc thời gian mà cả thế giới biết đến sự tồn tại của COVID-19 cũng như những tổn thất mà nó gây ra. Tuy nhiên, vài ngày trước khi thông tin chính thức này được thông báo tới người dân, bằng cách sử dụng Trí tuệ nhân tạo, Kamran Khan đã phát hiện ra và dự đoán chính xác sự lây lan của dịch bệnh này .

Cụ thể,  bằng các kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên, mỗi ngày, công ty của ông đã quét hàng trăm ngàn bài báo từ 65 ngôn ngữ khác nhau nhằm phát hiện các dấu hiệu của các loại bệnh truyền nhiễm (có nguồn gốc từ cả động vật lẫn thực vật) và vị trí của chúng. Không chỉ có thế, ông cũng sử dụng dữ liệu bán vé từ các hãng hàng không trên toàn cầu và thành công trong việc xác định  lịch trình di chuyển của các cá nhân bị nhiễm bệnh. Hiện nay, các thông tin mà Kamran Khan thu thập đều được gửi tới các khách hàng của BlueDot là các hãng hàng không và các bệnh viện mà những người bị nhiễm bệnh có thể sẽ tới.

Câu chuyện “cách ly toàn xã hội”

Ban đầu, COVID-19 chỉ là ác mộng đối với người dân các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam, các vùng lãnh thổ khác, đăc biệt là các nước ở châu Âu, châu Mỹ vẫn còn khá thờ ơ và tin tưởng tuyệt đối vào ý tưởng “Miễn dịch cộng đồng”. Điều đó cộng thêm sự thiếu hiểu biết và vô ý thức của một số cá nhân, tập thể, làm cho, sau một thời gian ngắn, COVID-19 đã trở thành nỗi ám ảnh của toàn nhân loại.

Lúc này, một khái niệm hoàn toàn mới đã xuất hiện tràn lan trên khắp các phương tiện truyền thông, đó là: “Cách ly toàn xã hội”. Các nhà cầm quyền ở các nước châu Âu, Châu Mỹ như Nga, Pháp, Anh, Mỹ…giờ đây đã đưa ra các thông báo về việc “yêu cầu” người dân “nghỉ việc ở nhà” và “chỉ ra ngoài khi cần thiết”, nếu vi phạm sẽ phải đối diện với các hình phạt theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đối với người dân sống trong một nền dân chủ thì những yêu cầu này của chính phủ là hoàn toàn vô lí và đã vi phạm nghiêm trọng vào quyền tự do cá nhân và nhân phẩm. Vậy nên, các nhà lãnh đạọ của các quốc gia này một mặt quay cuồng vì chống COVID-19, mặt khác phải giải quyết rất nhiều cuộc bạo loạn, biểu tình đỏi quyền tự do dân chủ. Trong khi chính phủ đang rơi vào bế tắc, thì một lần nữa, trí tuệ nhân tạo lại đang được dùng để giải quyết cả 2 bài toán khó nhằn này.

Giáo sư Yoshua Bengio – cha đẻ của ngành trí tuệ nhân tạo – Giám đốc Viện nghiên cứu MILA chia sẻ: “Công cụ của chúng tôi có khả năng vừa bảo vệ cuộc sống riêng tư của mọi người, vừa có thể làm giảm sự gia tăng của dịch bệnh”.

Giáo sư Yoshua Bengio

Bằng cách sử dụng Deep Learning, các nhà nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo của Viện nghiên cứu MILA đang có những nỗ lực cũng như đóng góp vô cùng lớn trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đó là việc tao ra một công cụ cho chúng ta biết được bản thân mình có nguy cơ bị nhiễm bệnh hay không, thông qua chính những thông tin mà chúng ta cung cấp như: chúng ta đã gặp những ai, vào thời gian nào, khoảng cách với những người khác ra sao, các triệu chứng mà chúng ta đang có, tình hình sức khỏe trước dịch bệnh của chúng ta là gì? Từ đó, thay vì việc bị các nhà cầm quyền “giam lỏng”, chúng ta có quyền tự đưa ra quyết định của mình trong việc tự bảo vệ bản thân cũng như bảo vệ cộng đồng.

Không chỉ có thế, bằng việc sử dụng Trí tuệ nhân tạo, Giáo sư Yoshua Bengio còn cho chúng ta niềm tin về việc thuốc và vắc-xin sẽ được tạo trong thời gian ngắn hơn rất nhiều so với các phương pháp truyền thống. Hay nói cách khác, COVID-19 sẽ bị đẩy lùi vào một ngày không xa.

Để hiểu rõ hơn về công cụ trí tuệ nhân tạo này, hãy cùng theo dõi video dưới đây

AI-robotics thế chỗ con người

Mới đây, Tây Ban Nha – một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, đã thông báo việc sử dụng Robot (với trí tuệ nhân tạo) để thực hiện các loại xét nghiệm với khả năng xét nghiệm lên tới 20.000 ca mỗi ngày và quốc gia này khẳng định sẽ tiếp tục mua thêm 4 con robot nữa để nâng con số lên đến 80.000 ca. (Hiện nay, Việt Nam có khả năng xét nghiệm tối đa 13.000 ca mỗi ngày.)

Tuy chưa có thông tin chi tiết nào được đưa ra về cách thức hoạt động của những con robot này. Nhưng rõ ràng, trước thực tế là Con người quá dễ dàng bị lây nhiễm Covid-19, việc sử dụng Robot với Trí tuệ nhân tạo vừa giúp giảm thiểu phơi nhiễm virus với các y bác sĩ, vừa giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn lực.

Tạm kết

Chặng đường đẩy lùi COVID-19 vẫn còn nhiều gian nan. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành y tế trên toàn thế giới, chúng ta có thể tin vào một tương lai hoàn toàn tích cực – một tương lai với sự đồng hành của Trí tuệ nhân tạo.

Để có thể hiểu rõ hơn về những kỹ thuật đã, đang và sẽ được sử dụng trong việc đẩy lùi COVID-19, hãy cùng nhau trau dồi kiến thức về các lĩnh vực của Trí tuệ nhân tạo cũng như nuôi dưỡng niềm đam mê với ngành khoa học này nhé.

Nguồn tham khảo:

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1i_d%E1%BB%8Bch_COVID-19

Post Comment

Contact