
Tôi Đã Nuôi Dưỡng Đam Mê Lập Trình Như Thế Nào?
Nếu bạn là một người chưa biết đến lập trình hoặc là một người không có mấy hứng thú với ngành lập trình, hãy đọc bài viết này. Trước đây mình cũng vậy, nhưng hiện giờ mình đang từng bước trên con được tiến tới một lập trình viên chuyên nghiệp, vậy động lực nào đã giúp mình chọn nghề lập trình, và mình đã làm quen với nó như thế nào, cách để nuôi dưỡng niềm đam mê ấy là gì? Các bạn cùng theo dõi nhé
1. Cơ duyên
Mình bắt đầu học code từ năm lớp 10, năm đó mình học toán cũng khá ổn nên được thầy dạy tin học của mình chọn vào đội sơ tuyển của trường.
Lúc đó mình cũng suy nghĩ, đắn đo nhiều lắm, không biết là có nên học hay không? Lý do là mình tiếp xúc với máy tính khá ít. Thực ra vấn đề này nói ra cũng hơi ngại, nhiều lần mình còn không biết gõ một số ký tự như thế nào nữa, nên phải nhờ thầy hỗ trợ. Trước đó mình cũng chưa từng học qua ngôn ngữ lập trình nào, mình sợ nếu như mình học từ đầu sẽ rất khó khăn và tốn nhiều thời gian, nhưng may mà trong đội sơ tuyển có nhiều người là bạn của mình, còn có các bạn nữ nữa. Nên mình mới nghĩ là: “các bạn nữ còn học được, tại sao mình không thử một lần”. Thế là mình đồng ý vào đội sơ tuyển, và đã bén duyên với ngành lập trình từ đấy.
Còn các bạn, cơ duyên các bạn đến với ngành lập trình là gì? Do thầy cô, bạn bè giớ thiệu, do gia đình tư vấn, hay do các bạn đam mê, tự tìm hiểu,… Dù là gì thì các bạn cũng hãy trân trọng điều đó, không phải ai cũng có nhân duyên tiền định dễ dàng đến với ngành lập trình như các bạn đâu.
Còn nữa, nếu các bạn chưa biết ngành lập trình như thế nào, làm những gì, các bạn có phù hợp với nó không? Hãy thử tìm hiểu về nó, hãy đặt những viên gạch đầu tiên, biết đâu cả thế giới sẽ được xây dựng.
2. Cảm hứng
Việc học lập trình không giống như việc bạn tập chơi một môn thể thao hay học cách nấu một món ăn nào đó, việc học lập trình dễ gây cảm giác chán nản hơn thế rất nhiều. Vì sao? vì những người mới học thường đặt mục tiêu khá cao, còn những gì họ học được lúc đó quá ít so với những gì họ mong muốn, chắc hẳn ai học lập trình cũng muốn tạo ra một trò chơi nhiều người biết đến, một trang web với vô số tính năng hữu ích, hay một phần mềm có thể tiến xa ra thế giới,… Những mong muốn đó là hoàn toàn có thể làm được khi bạn không phải là một người quá vội vàng, học một cách qua loa, học đốt cháy giai đoạn, mà các bạn hãy từ từ tiếp cận đến lập trình, bạn có biết những trang web, những game hay phần mềm mà bạn mong muốn tạo ra cũng được code bằng những câu lệnh đơn giản mà bản được học từ những ngày đầu.
Đối với mình, mình thường đặt những mục tiêu nhỏ, hoàn thành nhiều mục tiêu nhỏ sẽ giúp bạn có nhiều động lực hơn. Lúc đầu mình học lập trình cũng khó khăn lắm, ngôn ngữ đầu tiên mình học năm đó chính là Pascal – một trong những ngôn ngữ lập trình cơ bản, chương trình đầu tiên là mình học chỉ là in ra màn hình dòng chữ “hello world”, không hiểu sao khi chạy được chương trình đó mình có cảm giác vui đến lạ.
Đến giờ khi đã học qua nhiều ngôn ngữ thì mình thấy chương trình đầu tiên của nó sẽ là in ra một dòng chữ ra màn hình, mình cảm thấy rằng cái chương trình đầu tiên đấy không chỉ để kiểm tra xem phần mềm lập trình của bạn có chạy được không, mà nó còn giúp tạo cho những người mới học một động lực, cảm hứng học tập rất nhiều. Bởi lẽ khi chạy chương trình đầu tiên ấy, đấy cũng là lần đầu tiên bạn tạo ra một chương trình mà nó thực hiện theo ý mình. Chắc rằng hầu hết những lập trình viên khi màn hình của họ đã xuất hiện được chữ “hello world” khô khan ấy, thì họ sẽ thử thay đổi chữ đó thành những chữ mà họ muốn, đó là cảm hứng lớn nhất của lập trình viên, đó là tạo ra được những gì mình mong muốn. Cứ thế từng ngày, bạn sẽ có động lực tìm ra những cái mới, những cái phức tạp, dần tiến đến gần hơn trên con đường lập trình viên chuyên nghiệp.
3. Những khó khăn và cách khắc phục.
3.1. Chương trình chạy sai và lỗi tràn lan.
Khi mình mới học lập trình, rất ít khi mà mình viết code mà chạy một phát đúng ngay, mình có cảm giác như là có vô số lỗi để làm chương trình mình sai, nào là sai chính tả, thiếu đóng ngoặc, mở ngoặc, quên khai báo biến này nọ,… nhiều lần cũng có gắng cẩn thẩn lắm rồi mà vẫn sai.
Khi bạn gặp khó khăn như mình thì các bạn cũng đừng lo lắng quá, không phải là do các bạn yếu kém đâu, vì cái gì cũng cần phải học. Lập trình cũng giống như tất cả các việc mà bạn thấy xung quanh bạn thôi, không ai không học mà có thể cầm cây đàn lên đánh, không ai sinh ra đã có thể chạy lon ton quanh nhà,… thì lập trình cũng không khác những việc đó.
Để khắc phục lỗi này, bạn cần phải luyện tập thật nhiều, khi làm nhiều tự khắc bạn sẽ thành thạo ngôn ngữ bạn đang sử dụng, giống việc bạn tập đi vậy, bạn không cần phải nhìn chân khi đi nữa, bởi vì bạn đã “luyện tập” việc đi rất nhiều lần rồi.
3.2. Không biết cách giải một bài tập.
Vấn đề này thì ai cũng gặp phải.
Khi gặp một bài tập khá là mới, bạn không biết cách giải, lúc này bạn hãy cố gắng áp dụng những kiến thức đã học để giải quyết nó, còn nếu vẫn không làm được nữa, bạn có thể hỏi thầy cô, bạn bè,… Đừng ngại việc hỏi những gì mình chưa biết, một lập trình giỏi luôn biết cách học một cái mới, khi mà bạn đã hỏi được cách giải bài toán tính tổng hai số, thì khi gặp bài toán tính hiệu hai số, bạn chắc chắn sẽ làm được.
Bạn Không giải quyết được vấn để đơn giản là do bạn chưa gặp nó lần nào thôi, nên các bạn hãy luyện tập hằng ngày, lúc đó các bạn sẽ làm được bài tập đó và tất cả những bài tập tương tự.
3.3. Không biết nên học gì.
Khi mà các bạn học được những thứ cơ bản, làm được đa số bài tập mà bạn gặp phải, lúc đó nhiều bạn sẽ không biết phải học những cái gì tiếp theo. Vấn đề này thì các bạn nên tìm thêm nhiều nguồn tài liệu, bài tập mới. Hiện thì mình đang học trên web codelearn.io có hằng chục khóa học miễn phí từ cơ bản đến nâng cao, hàng ngàn bài tập để bạn luyện tập mỗi ngày, còn nhiều thứ thú vị khác nữa, tất cả đều là miễn phí, các bạn còn ngại gì mà không thử.
4. Kết.
Trên đây là những kinh nghiệm của mình từ những ngày đầu học lập trình đến nay. Đúng là học lập trình chưa bao giờ là đơn giản cả, nhưng nếu như bạn đã thích thì cứ thử đi, biết đâu bạn sẽ là một lập trình viên chuyên nghiệp trong tương lai không xa.
Chúc các bạn thành công!
Post Comment