
Tips Hay Chinh Phục Blog Nghìn View Tại CodeLearn
Như anh em đã biết mình thì blog hầu như bài nào cũng trên 1000 views hết (17/21), cao nhất có bài ~27k views. Đừng ai hỏi tôi có hack không vì đến check IP máy tính tôi còn không biết thì hack view kiểu gì. Mỗi tội mình không thuộc diện đc nhận nhuận bút huhu. Buồn lắm nên lên đây chia sẻ kinh nghiệm để anh em nhận quà tặng và nhuận bút cho sướng đời nhé!
Note luôn là mình chỉ viết/dịch được các bài viết chung chung chứ không chuyên sâu nên bài viết này sẽ không bàn về mặt chuyên môn. Tuy thế, kinh nghiệm làm marketing giúp mình có một số tips để kích thích người đọc và tăng tỷ lệ click hơn các bài khác, cũng như có 1 cái “sense” để đoán được chủ đề nào sẽ nhiều view hơn. Có rất nhiều bài viết của anh em khá hay, nhưng tỷ lệ view lại thấp một phần chính bởi anh em đang sai những lỗi khá đáng tiếc. Hi vọng bài viết này sẽ giúp anh em rút kinh nghiệm nhé.
Lưu ý: Trong bài viết có capture một số bài blog chưa đạt chuẩn khác để minh họa, nếu anh em nào cảm thấy không thích, vui lòng comment mình sẽ gỡ nha. Sorry anh em nhiều.
Phần 1: Cách đặt title
1. Dùng từ hấp dẫn
Kenh14 tuy suốt ngày bị chửi là mương nọ cống kia, nhưng vẫn có người đọc vì sự thật là đội bên đó giật tít rất hăng, nhiều khi hài hước nhảm nhí nhưng lại khiến người ta dễ click. Thì đặt title ở đây cũng vậy.
Ví dụ bài này:
10 chứng chỉ IT được trả lương cao nhất năm 2020
Trong link gốc là “highest paying” – trả lương cao nhất, thì mình đã biến hóa 1 tí ở ảnh thumbnail là “đắt giá nhất”, khiến cái title nghe bắt tai hơn. Mình sử dụng song song cả 2 title này để double nhấn vào vấn đề tiền – điều mà anh em nào đi làm chả quan tâm.
Hay bài này:
8 xu hướng công nghệ không thể bỏ lỡ 2020
Tên gốc của nó chỉ là “Software Developer Trend 2020”, nhưng mình mạnh dạn chế thành “Xu hướng CNTT không thể bỏ lỡ” – có công nhận là kêu tanh tách mà ai nghe cũng muốn click không nào? (tự sướng tí).
Hoặc đây:
9 Khóa học Lập trình miễn phí hàng đầu thế giới
“Miễn phí” là một từ kích thích, nhưng “hàng đầu thế giới” lại càng khiến cái title trở nên hấp dẫn hơn
Kinh nghiệm của mình cho thấy các từ ngữ liên quan tới tiền và chất lượng thường được quan tâm nhiều nhất (Miễn phí, đắt giá, giá trị, lương, thu nhập, tốt nhất, có ảnh hưởng nhất, được đánh giá cao nhất…)
2. Đặt title dưới dạng câu hỏi
Đặt title dưới dạng câu hỏi là một tips mình rất hay sử dụng bởi nó đánh thẳng vào tâm lý tò mò của người đọc.
Ví dụ: Học Gì Để Trở Thành Lập Trình Viên Giỏi Sau 1 Năm?
Chán Lập Trình, Phải Làm Gì Để Giữ Lửa Đam Mê?
Khi đọc nhứng title như thế này, thường là những chủ đề vốn đã được nhiều người quan tâm, bản thân người đọc cũng nảy sinh những thắc mắc như thế thì việc người ta click vào bài là dễ xảy ra
3. Đặt title theo quan tâm tìm kiếm
Giả sử bây giờ bạn muốn học để làm Frontend, bạn sẽ tìm kiếm gì trên Google? Có 2 câu hỏi dễ thấy nhất: Học gì để trở thành Frontend Developer? và Lộ trình học để trở thành Frontend Dev. Kinh nghiệm của mình là hãy đặt title gần giống như thứ bạn sẽ gõ lên Google hoặc chứa các từ khóa quan trọng. Khi đó, một cách “may mắn” nào đấy bài đăng của bạn có thể hiện lên top tìm kiếm của Google và được nhiều người click vào đọc hơn thay vì chỉ đặt 1 cái tilte bâng quơ giời ơi đất hỡi nào đấy.
Note: Tiêu đề của bạn không nên quá bay bổng, ẩn dụ hoán dụ so sánh làm gì hết, điều đầu tiên cần chú ý là nó phải rõ ràng, dễ hiểu, đơn giản. Dù có thêm từ ngữ văn hoa thế nào, cũng nên chú ý tìm những từ ngữ gần gũi, đừng để người đọc đọc vào sẽ nghĩ: “Ủa cái quái gì vậy chả hiểu gì?”. Thay vì tò mò và kích thích, cuối cùng lại chỉ toàn là khó hiểu và bỏ qua luôn. Vậy là bạn đã thất bại ngay từ bước ban đầu rồi.
Phần 2: Cách thiết kế ảnh Thumbnail
1. Kích thước
Quan trọng chẳng kém title chính là ảnh bìa, thế nhưng hầu như các bạn toàn bỏ quên vụ này và cho lên blog những quả ảnh bìa rất là ba chấm… Team UI UX nhà CodeLearn đã mất công design ra cái giao diện hiển thị để làm gì ạ? Dĩ nhiên là không phải để cho vui rồi… Có những bạn vô tư phang 1 chiếc ảnh vuông, thậm chí là ảnh dọc vào để làm ảnh bìa, đến khi hiển thị lên xấu vô cùng.
Kích thước chuẩn cho 1 chiếc ảnh bìa nên ở tỷ lệ 3:2 và không quá 817*460px. Mình khuyên các bạn nên dùng ảnh bìa với kích thước tối đa để hiển thị đẹp nhất trên PC, tránh tình trạng vỡ ảnh. Ảnh cao quá thì cụt đầu, ảnh dài ngang thì mất thông tin 2 bên ảnh.
2. Nội dung ảnh
Cái này thì đơn giản thôi, nội dung gì dùng ảnh với nội dung đó, ví dụ bài viết về C++ thì cho cái hình C++ to tướng lên, về game rắn săn mội thì cho hình rắn săn mồi… Hình ảnh cần to, rõ ràng, minh họa đúng nội dung bài viết là được.
Dưới đây là một số ảnh bìa mà mình cho rằng khá khó hiểu, hình ảnh không rõ ràng và kem thu hút.
3. Text trên ảnh
Còn về text trên ảnh thì sao? Cá nhân mình mình rất thích để text trên ảnh vì chỉ cần liếc qua một cái, người đọc có thể ra quyết định click vào bài hay không rồi. Tuy nhiên nếu ảnh bìa đã đủ thông tin, việc thêm text này là không cần thiết.
Text trên ảnh sẽ phát huy tối đa tác dụng khi được thiết kế phù hợp. Bạn không cần quá nhiều chuyên môn để thiết kế ra những chiếc ảnh bìa đẹp như dân designer, mình thì mình toàn làm bằng Paint thần chưởng và Canva :)). Cái quan trọng mình cần hướng đến là sự rõ ràng, mạch lạc và một chút tính thẩm mĩ tối thiểu. Mình có một số tips sau:
- Text nên chiếm khoảng 25 – 30% không gian ảnh để hiển thị tốt nhất trên mọi thiết bị. Nhỏ quá thì khó nhìn mà to quá thì không thẩm mỹ. Ví dụ như ảnh dưới đây: Text nhỏ, khó nhìn
- Nên dùng các font không chân để text rõ ràng hơn kể cả khi viết hoa hay viết thường
- Nếu nền đồng màu, bạn có thể gõ thẳng text lên ảnh
- Nếu nền ảnh nhiều chi tiết, bạn nên tạo trước 1 box rồi để tranparecy (độ trong suốt) khoảng 70 để vừa nổi chữ, vừa không che mất chi tiết ảnh.
- Màu text cần nổi trên màu box nền, ví dụ box nền đen thì nên là chữ trắng, nếu chữ đỏ thì nên có viền, chữ đỏ trên nền đen nhìn bị tối, nếu là đỏ tươi còn gây lóa. Ví dụ ảnh dưới đây, chữ “Lọc Ảnh” đáng ra nên được đẩy lên cho nổi bật thì lại chìm nghỉm do đặt chữ đỏ trên nền đen. Mình cho rằng đặt chữ đen – đỏ trên nền trắng sẽ tạo hiệu ứng tốt hơn rất nhiều.
- Text nên nằm ở trung tâm ảnh hoặc ở khoảng trống dễ nhìn, không nên quá sát lề tránh trường hợp hiển thị bị mất chữ
Phần 3: Các tips trình bày nội dung bài viết
1. Tóm tắt
Tại sao bận cần tóm tắt? Khoa học chứng mình rằng 1 người chỉ dành ra khoảng 0.8 – 1s lướt qua bài và quyết định xem có click hay không. Bởi thế, title, ảnh bìa và tóm tắt là những thứ đầu tiên đập vào mắt họ và ảnh hưởng đến hành vi của người dùng. Bạn cần viết 1 tóm tắt vừa đủ ngắn gọn và hấp dẫn, gợi mở nhất có thể để người đọc hứng thú. Hiểu nôm na, nó chính là cái Mở bài khi mình làm Tập làm văn vậy.
Phần tóm tắt bạn có thể ứng dụng chính phần mở đầu bài viết của mình để tiết kiệm công sức. Và mách nhỏ, admin fanpage thường copy phần này để làm caption trên fanpage, nên viết càng hay thì người đọc sẽ càng nhiều.
2. Minh họa ảnh
Một bài viết hay CHẮC CHẮN phải có ảnh minh họa đi kèm. Một bài viết không có ảnh sẽ bị Google đánh giá điểm SEO cực thấp và giảm tỷ lệ hiển thị khi tìm kiếm. Ảnh minh họa không chỉ giúp bài dễ hiểu hơn mà còn giúp người đọc có khoảng nghỉ tốt hơn khi đọc bài. Cứ khoảng 2-3 đoạn, bạn nên có ít nhất 1 hình ảnh mình họa hợp lý vào bài viết của mình. Đọc quá nhiều khiến chúng ta dễ bị mỏi mắt, chán nản và thoát ra hơn. Khi đó time on page của bài sẽ thấp, kéo theo điểm tín dụng của bài cũng thấp theo luôn, tỷ lệ hiển thị dĩ nhiên là tụt dốc rồi.
3. Đặt Heading cho từng phần
Khá giống với minh họa ảnh, đặt heading giúp bài viết của bạn có bố cục tốt hơn, mạch lạc, dễ hiểu, người đọc dễ theo dõi và Google cũng sẽ chấm điểm SEO bài viết cao hơn. Khi bạn cấu trúc bài viết một cách hợp lý, người đọc sẽ yêu thích bài viết đó và đôi khi chẳng cần đọc hết nội dung, chỉ cần kéo đủ các Heading là người đọc cũng có thể thu lượm đủ thông tin cần thiết cho một bài viết rồi.
Có những tác giả blog mình chẳng bao giờ đọc đơn giản vì trình bày xấu kinh, đã kém lập trình như mình còn đọc phải 1 bài rối như canh hẹ cả về nỗi dung lẫn hình thức, thì lấy đâu ra động lực đúng không?
Tạm Kết
Chỉ mới là tạm kết thôi vì thực ra mình có rất nhiều điều để chia sẻ, nhưng thôi cũng gần 2000 chữ rồi, dài nữa mọi người cũng lười đọc.
Có thể nhiều bạn sẽ thấy rằng những tips mình nêu ra chỉ là sự hào nhoáng vớ vẩn, quan trọng nhất vẫn là nội dung. Nhưng sự thật tuy tốt gỗ hơn tốt nước sơn, nhưng nếu nước sơn xấu mù thì cũng chẳng được mấy người thèm ngó xem gỗ có tốt hay không nữa. Bật mí một chút, mình chính là người lựa chọn xem bài blog nào sẽ được lên trang chủ, và dưới kinh nghiệm của một người đã làm marketing thì đúng là những bài mình “không thích” thường chẳng mấy khi được view cao (Đã thử và kiểm chứng). Nên nếu được, hãy vận dụng 1 số tips trên đây, để gỗ xịn mà nước sơn cũng pơ phệc nhé!
Hi vọng bài viết này sẽ giúp anh em nâng cao nhu nhập mùa Covid :)))
Đừng quên đánh giá 5* và comment nếu các bạn có câu hỏi nhé!
Post Comment