
Tất Tần Tật Về Google Analytics Mà Coder Cần Biết (Phần 1)
Google Analytics là công cụ do Google phát triển nhằm phân tích luồng truy cập, theo dõi đối tượng, hành vi và chuyển đổi của người dùng trên website cùng khả năng liên kết với các công cụ hữu ích khác như Google Ads, Google Console. Hiện nay Google Analytics còn có thể theo dõi truy cập trên App và đặc biệt không như các bên thứ 3 khác Google Analytics là công cụ hoàn toàn miễn phí và có độ chính xác gần như là cao nhất hỗ trợ cho người làm lập trình web rất hữu ích.
Trang chủ: http://www.google.com/analytics/
Tuy vậy cách thức sử dụng Google Analytics cũng như khối lượng thông tin khổng lồ mà nó cung cấp dễ làm ngợp những người dùng mới, vì vậy trong series về Google Analytics này mình sẽ dành riêng phần 1 để giúp các bạn hiểu về tổng quan của công cụ tuyệt vời này.
1. Hệ thống cấp bậc trong Google Analytics (Hierarchy)
Một tài khoản Analytics sắp xếp cấp bậc từ cao đến thấp là: Account –> Property –> View
Một email có để đăng kí được nhiều Account, mỗi Account quản lí nhiều nhóm Property và tương tự dưới mỗi Property sẽ nhiều View khác nhau.
Ngoài ra Google còn khuyến cáo mỗi Properties Analytics nên có ít nhất 3 bản View:
– All Web Site Data: Bản View mặc định. Không nên can thiệp gì ở bản View này nhằm mục đích giữ được dữ liệu thô (Raw data).
– Bản Master View: Bao gồm các Dashboard, Segment, Custom Report đã được tùy chỉnh.
– Test View: Là bản View để giúp bạn thử nghiệm nhiều trường hợp khác nhau để so sánh số liệu. Giả sử bạn muốn áp dụng một số bộ lọc như “Bỏ tất cả IP nội bộ của công ty”, hoặc “Không đo traffic đến từ ahref.com” mà chưa biết được kết quả (hậu quả) nó mang lại như thế nào thì hãy áp dụng vào bản Test View này.
2. Quy trình hoạt động của Google Analytics
Từ lúc thu thập dữ liệu đến khi xuất báo cáo, Google Analytics trải qua 4 công đoạn sau:
Data Collection –> Configuration –> Processing –> Reporting
– Data Collection: Khi một user truy cập vào trang web của bạn, tất cả thông tin của họ được Google thu thập lại bằng một đoạn mã. Thông tin của họ được khai thác từ Cookie. Cookie lưu trữ các dữ liệu như họ từ đâu đến (vùng miền, ngôn ngữ), giới tính, độ tuổi, dùng hệ điều hành gì, trình duyệt gì, độ phân giải màn hình bao nhiêu… Mỗi khi user thực hiện một hành vi trên website của bạn, đoạn code đó cũng ghi lại rồi gửi lên server của Google.
– Configuration: Sau khi dữ liệu được thu nhập trả về Google chúng cần được đóng gói lại. Các thông tin thu thập được sẽ được phân loại và điều chỉnh để giữ lại thông tin cần thiết và loại bỏ thông tin thừa.
– Processing: Thông tin được xử lí theo yêu cầu của bạn. Ví dụ, bạn sử dụng bộ lọc để loại bỏ traffic đến từ IP nội bộ, thì tất cả các traffic được đánh dấu đến từ IP nội bộ sẽ bị loại bỏ.
– Reporting: Sau khi thông tin được xử lí từ qua 3 khâu trước, chúng được xuất ra dưới dạng Report chúng ta vẫn thường xem
3. Home, Customization, Reporting và Admin
– Home: Lưu trữ tất cả Account, Property, View
– Customization: Các bản report chuyên biệt được lưu trữ ở đây.
– Reporting: Là phần quan trọng nhất của Google Analytics. Tất cả thông tin phân tích theo dõi đều được xem ở đây
– Admin: Ở phần này bạn cần có hiểu biết sâu rộng để setup Google Analytics. Tất cả hoạt động thêm người dùng, thêm đối tượng, mục tiêu, chuyển đổi, tùy chỉnh kênh, liên kết các công cụ khác đều được thực hiện ở đây
4. Metrics và Dimensions
Tất cả các dữ liệu trong report đều được trả dưới dạng Metrics và Dimensions.
Có thể hiểu như thế này: “Dimension – Describe data; Metric – Measure data“
Metrics được thể hiện dưới 3 dạng: Tổng (sum), trung bình (average), tỉ số (ratio)
Ví dụ:
– Metrics: %New User, Page/Session, %New Sessions, Bounce Rate, Session, Time on site, Goal Value…
– Dimension: Source, Medium, Exit Page, Landing Page, Country, Region, Metro, Location, Browser & OS…
Report luôn được tạo ra bởi sự kết hợp giữa các Metrics và Dimensions khác nhau. Các Metrics luôn được đặt theo nhóm khác nhau như nhóm Acquisition, nhóm Behavior và nhóm Conversion.
Tổng kết:
Khi mới đầu làm quen với Google Analytics, cần nhớ một số thứ căn bản sau:
– Cấp bậc tài khoản: Account –> Property –> View
– Cách thức GA hoạt động: Collection –> Configuration –> Processing –> Reporting
– 4 mục lớn của Google Analytics : Home – Reporting – Customization – Admin
– Dữ liệu được trả về dưới dạng : Dimensions và Metrics
– Dimensions có: Primary Dimensions và Secondary Dimensions
– Metrics: Bao gồm Acquisition – Behavior – Goal Conversion
Trên đây là phần 1 tổng quan của Googgle Analytic, ở phần tiếp theo mình sẽ hướng dẫn các bạn cách cài đặt và cấu hình Google Analytics, rất mong các bạn có thể hiểu rõ và áp dụng GA một cách hiệu quả cho công việc của mình. Bất cứ câu hỏi nào về GA hãy đăng nhập và comment bên dưới mình sẽ giải thích chi tiết nhé.
Chúc các bạn thành công!
Post Comment