
Những thứ tôi ước mình biết khi mới bắt đầu viết Code
Nếu bạn mới chập chững bước vào con đường lập trình, quá trình học tập có thể khiến bạn cảm thấy áp lực. May mắn thay, bạn không phải tự một mình vượt qua chặng đường này. Bạn có thể học hỏi từ những người đi trước, những cá nhân đã từng trải qua những bước đệm như bạn.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ lắng nghe câu chuyện của Stephanie, một kỹ sư phần mềm với hơn 10 năm kinh nghiệm lập trình. Stephanie chia sẻ những trải nghiệm cá nhân cũng như những bài học quý giá mà cô ấy ước mình đã biết ngay từ khi mới bắt đầu. Hy vọng năm bài học này sẽ giúp ích cho bạn trên hành trình học tập của mình!
Quá trình lập trình là rất cá nhân
Mỗi người có những lý do khác nhau để theo đuổi lập trình, và hành trình của bạn sẽ phụ thuộc vào mục tiêu riêng của bản thân. Ví dụ, mặc dù sau này trở thành sự nghiệp, hành trình học tập của Stephanie bắt nguồn từ mong muốn tự tay thay đổi hồ sơ của mình trên một trang web thú cưng ảo.
Bạn có thể hướng tới một sự nghiệp trong lĩnh vực phát triển web, hoặc chỉ muốn học những kỹ năng để có thể làm tốt hơn công việc hiện tại – thậm chí chỉ vì niềm đam mê. Một khi xác định được mục tiêu của mình, bạn sẽ dễ dàng tìm ra phương thức học tập phù hợp, từ đó có thể quay lại những bước khởi đầu. Bạn có thể bắt đầu từ bất cứ đâu: một khóa học, một cuốn sách, hoặc thậm chí một vài lần tìm kiếm trên Google.
Khi bắt tay vào học lập trình, bạn sẽ bắt đầu nhận ra những thứ mình chưa biết. Giờ đây, bạn đã sẵn sàng lấp đầy những khoảng trống kiến thức này bằng cách điều chỉnh quá trình học tập theo cách thức phù hợp nhất với bản thân.
Hành trình học tập của Stephanie bắt đầu từ việc tìm kiếm trên Google những mẫu thiết kế để dùng cho profile của mình. Sau đó, cô nhận ra mình không hiểu rõ nhiều về các thuật ngữ trong những mẫu đó. Để tự tùy chỉnh hồ sơ của riêng mình, Stephanie đã bắt đầu tìm hiểu các khía cạnh của thiết kế web.
Tập trung vào điểm mạnh của bản thân
Để học các khái niệm trong lập trình, cách tốt nhất là biết cách bạn học tốt nhất. Như vậy, bạn có thể đảm bảo rằng mình đang học theo cách hiệu quả nhất. Bạn có thể là người học bằng hình ảnh, có nghĩa là bạn sẽ cần chuyển các khái niệm thành thứ gì đó hữu hình. Bạn có thể liên kết một khái niệm với một hình ảnh và vẽ ra trên một tờ giấy trắng hoặc bảng.
Ví dụ, Stephanie bắt đầu với việc học Java. Để hiểu về khái niệm classes (xác định cách một đối tượng được định nghĩa và có thể được sử dụng để tạo các instance), cô đã vẽ một vài minh họa trên bảng. Từ đó, cô bắt đầu hiểu rõ các khái niệm hơn và có thể nhớ được sự khác biệt giữa class và íntance.
Bạn có thể thích học bằng cách nghe ai đó nói về các khái niệm, hoặc bạn có thể thích ghi chép lại để khắc sâu vào trí nhớ. Hãy dành chút thời gian để suy nghĩ về cách bạn học tốt nhất và đảm bảo rằng bạn đang sử dụng phương pháp đó khi học lập trình. Điều này sẽ làm cho quá trình trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Học cách yêu việc gỡ lỗi
Như Stephanie đã chỉ ra, không có mã hoàn hảo. Một số chúng ta sẽ cố gắng thực hiện mọi thứ đúng từ lần đầu tiên. Nhưng điều đó hoàn toàn không thực tế. Và tệ hơn, cố gắng hướng tới sự hoàn hảo có thể ngăn chúng ta thực hiện những bước đầu tiên trong việc học lập trình. Đây là cả một quá trình và lỗi là một phần bình thường của việc học và cải thiện.
Hãy nói rằng chúng ta có mối quan hệ phức tạp với các lỗi. Chúng chỉ ra những thứ cần sửa, nhưng chúng cũng là cơ hội để học hỏi. Điều quan trọng nhất là hiểu tại sao và code của bạn đang thực sự làm gì. Bất kỳ bug hoặc lỗi cú pháp nào cũng có thể được tìm thấy và sửa chữa bằng một một pha Google Search đơn giản trong hầu hết các trường hợp.
Khi bạn bắt đầu lập trình, nếu bạn gặp rất nhiều lỗi, đừng lo lắng! Điều này hoàn toàn bình thường và không có nghĩa là bạn không phải là một lập trình viên giỏi. Đôi khi bạn sẽ có lỗi cú pháp, nhưng đừng để điều đó ảnh hưởng đến việc học các khái niệm lập trình. Điều này xảy ra với tất cả chúng ta, và chúng ta đều có những ngày tốt và xấu về số lượng lỗi gặp phải.
Biết khi nào nên nghỉ ngơi
Việc này nghe có vẻ ngược đời, nhưng thực ra việc cho não nghỉ ngơi là rất cần thiết để giải quyết các vấn đề khi làm một lập trình viên. Tiến độ mà bạn đạt được trên mã code của mình không luôn luôn tỷ lệ thuận với thời gian bạn dành cho chương trình hoặc gỡ lỗi, đặc biệt nếu bạn đã nhìn chằm chằm vào cùng một vấn đề trên màn hình trong nhiều giờ.
Khi bạn bế tắc với vài dòng code, hãy nhắc nhở bản thân nghỉ ngơi và cho tâm trí dừng lại trong một vài phút. Sau đó quay lại máy tính, câu trả lời có thể sẽ trở nên rõ ràng hơn nhiều.
Thoải mái với sự không thoải mái
Cuối cùng, hãy kiểm soát việc học tập của chính bạn. Điều đó đòi hỏi việc cầu cứu khi bạn không biết điều gì đó. Điều này có vẻ logic với bạn, nhưng với một số người học, việc yêu cầu sự trợ giúp thực sự là không thoải mái một chút nào.
Stephanie chia sẻ một câu chuyện về cảm giác của cô ấy khi bắt đầu theo học các khóa học về lập trình. Đối với cô, dường như tất cả các bạn cùng lớp đều có nhiều kinh nghiệm hơn và sẽ nghĩ rằng cô không thông minh bằng họ nếu cô nói sai điều gì đó. Vì vậy, thay vì đặt câu hỏi vào thời điểm cô bị nhầm lẫn, cô đã tự nhủ rằng cô sẽ tìm kiếm trên Google sau.
Điều cô không biết lúc đó là cô đã bỏ lỡ những cuộc trò chuyện tuyệt vời với những lập trình viên khác bằng cách giữ im lặng và không đặt câu hỏi. Khi cuối cùng cũng bắt đầu nói chuyện với các bạn cùng lớp về những gì đang được giảng dạy, cô nhận ra rằng không chỉ cô đang củng cố hiểu biết của chính mình, mà cô còn giúp những người khác làm điều tương tự. Đừng ngại ngần mà hãy kết nối với những cộng đồng lập trình bất cứ khi nào có thể để học những điều mới, đặt những câu hỏi và xây dựng môi quan hệ với những người trong ngành. Mọi lập trình viên đều đã cảm thấy mình như một đứa trẻ vào một lúc nào đó, cho nên đừng để điều ấy cản bước bạn.
Post Comment