
Nghiện Học Như Nghiện Netflix, AI Sẽ Thay Đổi Giáo Dục?
Cách đây 3 năm, tôi xem được một video nói về giáo dục từ nghệ sĩ ưa thích của mình, Richard Williams, hay được biết đến nhiều hơn dưới cái tên Prince EA.
Trong video “I sued the school system!!!”, anh ấy đã nêu lên các bất cập của hệ thống giáo dục hiện thời và chỉ trích sự chậm chạp của nó trong sự thay đổi, khi mà chúng ta vẫn cứ tuân theo phương thức giáo dục của hàng ngàn năm trước, cách mà Aristole hay Khổng Tử dạy học trò của mình.


Như chúng ta có thể thấy: về cơ bản thì không có sự khác nhau nhiều về phương thức tổ chức giảng dạy; về cách mà hệ thống vận hành. Vâng, sau khi trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp, ta có thể đưa con người lên Mặt Trăng nhưng các lớp học vẫn y như cũ.
Vào lúc xem video, tôi vô cùng đồng ý với quan điểm này, nhưng ở thời điểm hiện tại thì không hẳn; bằng một cách nào đó, sức mạnh của công nghệ thông tin đã tác động vào ngành công nghiệp giáo dục một cách từ từ nhưng rõ rệt và đại dịch Covid-19 như một chất xúc tác giúp thế giới thấy rõ hơn phần nào cách mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thay đổi giáo dục ra sao.
Các lớp học, khóa học trực tuyến
Với việc các lớp học truyền thống là thiên đường cho việc lây lan dịch bệnh thì các lớp học trực tuyến đã thay vào đó, tất nhiên đi kèm với nó là sự lên ngôi của các ứng dụng họp trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams,… Không chỉ dừng lại ở đó, các trường đại học nổi tiếng như Harvard, Cambridge cũng chia sẻ miễn phí nội dung những khóa học của mình trên các nền tảng học trực tuyến.
Mặc dù có một làn sóng mới nhờ dịch bệnh nhưng thực ra việc học trực tuyến đã bắt đầu từ cách đây khoảng 10 năm trước với các nền tảng vô cùng nổi tiếng trên toàn thế giới.

Đó là một câu chuyện cũ với các công nghệ cũ, vô tình được làm sống lại nhờ đợt dịch bệnh bất ngờ này. Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ cùng sự trỗi dậy mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, liệu ta có thể mong chờ những sự thay đổi mới mẻ nào trong giáo dục?
Trí tuệ nhân tạo có thể thay đổi ngành giáo dục?
Dù muốn hay không ta cũng phải thừa nhận một điều rằng: AI nói riêng hay sự phát triển của công nghệ nói chung đã thay đổi bộ mặt của một số ngành công nghiệp, cũng như cách chúng ta sống một cách vĩnh viễn. Từ cách ta xem phim, mua sắm, lái xe cho tới cách khám chữa bệnh, kinh doanh,… Và tôi tin rằng ở một tương lai gần AI cũng sẽ thay đổi cách chúng ta dạy và học.
Ngoài câu chuyện xưa cũ như tạo ra các lớp học toàn cầu hóa, nơi mọi người trên khắp thế giới có thể tham gia, hay việc hỗ trợ từ xa giữa giáo viên – học viên thông qua các nền tảng trò chuyện. Tiến thêm một bước nữa, trí tuệ nhân tạo giờ đây có thể giúp tự động hóa một số công đoạn trong giáo dục, đơn cử như việc chấm điểm các bài thi trắc nghiệm. Một hệ thống Thị giác máy tính, Computer Vision hoàn toàn có thể thay thế con người trong việc này và giúp hạn chế tối đa sai sót cũng như tăng năng suất chấm bài. Một khả năng khác là sự cá nhân hóa trải nghiệm học tập của học viên; như cách một ai đó đã nói mà tôi không nhớ chính xác nguyên văn:
“Bạn không thể đánh giá khả năng của con cá qua việc leo cây”
Một hệ thống giáo dục tốt cần phải giúp người học phát hiện và phát triển tài năng của riêng mình, nhờ vào việc khuyến nghị và xây dựng một chương trình học phù hợp nhất với người dùng. Hãy tưởng tượng việc bạn chỉ cần điền một số thông tin cá nhân, sở thích, chọn một vài điều quan tâm; còn việc chọn môn học, ngành học, thậm chí cả định hướng nghề nghiệp, AI có thể tư vấn, lựa chọn giúp bạn với xác suất chính xác vô cùng cao như cách Netflix gợi ý phim, Tiktok gợi ý video cho bạn thì sao? Bạn sẽ nghiện việc học như nghiện xem Netflix, Tiktok đấy!

Thêm nữa, giống như cách Netflix đang hoạt động, AI có thể dựa vào sự thích thú của chúng ta trên những nội dung sẵn có để đánh giá những chương trình mới được đưa ra, thậm chí AI có thể tạo nên những nội dung cho riêng ta, phù hợp tối đa với từng người dùng cụ thể.
Không dừng lại ở đó, trong tương lai không xa tôi tin AI có thể thay đổi cả vai trò của người giáo viên. Thật vậy, quay lại với câu chuyện giáo viên có thể hỗ trợ từ xa các học viên thông qua việc trò chuyện trực tuyến, có một sự thật là: một giáo viên không thể cùng lúc hỗ trợ tất cả các học sinh của mình được, bạn phải chờ tới lượt và với một giáo viên càng giỏi, càng “hot” thì thời gian chờ càng lâu.
Một trợ lý ảo thông minh có thể giải quyết vấn đề này, AI có thể trở thành những gia sư, những tư vấn viên riêng cho cả chục, cả trăm người cùng lúc; không có sự chậm trễ một phút một giây nào. Tuy nhiên có một vấn đề nổi cộm nhiều người thắc mắc, nếu chỉ là kiến thức có sẵn thì đơn giản nhưng nếu học sinh cần sự giải thích tường tận, một việc gần như chắc chắn xảy ra khi học sinh hỏi bài thì AI liệu có thể trả lời được không? Câu trả lời là không và có.
Với chỉ những kĩ thuật trong Xử lý ngôn ngữ tự nhiên – NLP, Hệ thống khuyến nghị – Recommender System hay Question Answering System như hiện nay thì chuyện đó là không thể, nhưng với sự phát triển của kỹ thuật mang tên Explainable AI, việc giải thích tại sao AI lại khuyên bạn nên học cái này cái kia là hoàn toàn được. Và ta có thể mang câu chuyện trong phim ra đời thực với một trợ lý ảo thông minh như trong bộ phim “Her”, nơi có một “cô trợ lý” quá thấu hiểu con người, khiến cho người dùng nảy sinh tình cảm dù biết đó chỉ là một cỗ máy.
Trí tuệ nhân tạo có rất nhiều ứng dụng khác trong giáo dục, nhưng những điều tôi kể trên là những điều tiêu biểu, trực quan nhất. Không phải hiển nhiên mà người ta dự báo rằng thị trường Trí tuệ nhân tạo trong ngành giáo dục ở Mỹ sẽ tăng trưởng vượt bậc với chỉ số CAGR (Compound annual growth rate – tỷ lệ tăng trưởng hàng năm) là 47.77% trong giai đoạn 2018-2020, mặc dù theo nghiên cứu của CBI Insight, một công ty chuyên nghiên cứu thị trường ở New York thì tần suất giao dịch AI trong giáo dục còn chưa cao vào năm 2016.

Một tương lai đầy cơ hội cho Trí tuệ nhân tạo trong ngành công nghiệp giáo dục, chúng ta cũng vô cùng mong chờ một hệ thống giáo dục hiện đại hơn, thông minh hơn sẽ xuất hiện trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này.
Tất cả chỉ nằm trên lý thuyết và ở thì tương lai?
Tất nhiên không chỉ về mặt lý thuyết, các công nghiệp nói trên đã lần lượt xuất hiện với vai trò sản phẩm thương mại. Vâng, chính các cỗ máy trí tuệ nhân tạo sẽ là thầy giáo cho chúng ta, đơn cử như Elsa – một ứng dụng dạy tiếng Anh với hơn 7,000,000 người dùng, có nền tảng là công nghệ nhận diện giọng nói vào loại tốt nhất thế giới hiện tại; ứng dụng này sẽ tối ưu lộ trình học tiếng Anh của bạn một cách tốt nhất thông qua quá trình học tập cũng như kiến thức hiện có của chính bản thân người học.

Hay Assessment and LEarning in Knowledge Spaces (ALEKS), một công nghệ được dùng để đánh giá kiến thức của học sinh như một bài kiểm tra đầu vào thông qua các câu hỏi xoay quanh một chủ đề bất kì, từ đó điều chỉnh kế hoạch học tập ở môn Toán và các môn khoa học, được phát triển và sử dụng bởi McGraw-Hill Education – một công ty Toán học ở Mỹ chuyên cung cấp các khóa học, phần mềm và dịch vụ giáo dục; được đánh giá là một “Big 3” ngành xuất bản cùng với Pearson, Houghton Mifflin Harcourt.
Các sản phẩm cùng sử dụng phương pháp đánh giá học sinh thông qua AI này còn có Thinkster Math, Whizz Education, Third Space Learning, and Carnegie Learning ‘s Cognitive Tutor. Một thông tin thêm là những công nghệ như vậy đang được sử dụng để đánh giá và tư vấn lộ trình học cho hơn 100.000 học sinh không chỉ ở Mỹ.

Đặc biệt hơn, bạn còn có thể học về khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo bởi chính “người thầy” AI ở Korbit; một công ty có sự liên kiết với viện Milla của giáo sư Yoshua Bengio – một trong những người được xem là cha đẻ của ngành này, sự bảo chứng khoa học tuyệt vời.
Nói tóm lại
Rõ ràng là AI đã tác động ngay từ bây giờ, mặc dù đa phần chỉ dừng lại ở việc trở thành các gia sư trực tuyến nhưng không thể phủ nhận sự ảnh hưởng sâu sắc của nó. Ở thì tương lai, những ảnh hưởng, thay đổi này chỉ có thể mạnh mẽ, triệt để hơn chứ không thể nào ít đi được. Hãy cùng nhau chờ đón một cuộc cách mạng giáo dục ở lần này trong tương lai (gần)!
Nguyễn Võ Thành Khang – FPT Software
Tài liệu tham khảo:
- https://www.forbes.com/sites/bernardmarr/2018/07/25/how-is-ai-used-in-education-real-world-examples-of-today-and-a-peek-into-the-future/#2fd6fa72586e
- https://emerj.com/ai-sector-overviews/examples-of-artificial-intelligence-in-education/
- https://www.teachthought.com/the-future-of-learning/10-roles-for-artificial-intelligence-in-education/
- https://www.researchandmarkets.com/reports/4613290/artificial-intelligence-market-in-the-us
- https://emerj.com/ai-sector-overviews/artificial-intelligence-industry-an-overview-by-segment/
- https://www.aleks.com/
- https://cacm.acm.org/news/223704-ai-tutoring-genius-on-my-shoulder/fulltext
- https://www.korbit.ai/
- https://www.online-sciences.com/robotics/artificial-intelligence-in-education-ai-tutors-advantages-and-disadvantages/
Post Comment