Loading Now

Những điều học được khi làm việc với khách hàng Nhật.

Như các bạn đã biết, Nhật Bản là một trong những cường quốc trên thế giới. Điều đáng kinh ngạc nhất là họ đã đạt được điều này chỉ sau 50 năm đi lên sau bom đạn chiến tranh thế giới thứ 2 (1939 – 1945). Có rất nhiều yếu tố khác nhau được phân tích nhằm tìm hiểu nguyên nhân cho sự phát trển vượt bậc này, nhưng cái quan trọng nhất hẳn phải là yếu tố con người! Vậy nó có liên quan gì tới các lập trình viên?

Người dân Nhật Bản với sự giáo dục đúng đắn từ nhỏ đã hun đúc nên những phẩm chất tuyệt vời mà tôi nhận ra được sau quá trình làm việc với họ:

1. Khiêm tốn học hỏi và tỉ mỉ trong công việc

Sau khi tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân loại khá và chút kinh nghiệm vặt vãnh từ những dự án cỏn con. Bản thân lại khá là tự tin với lượng kiến thức có được và có cái cảm giác: “Code mình vô đối!” Những năm đầu làm việc, với sự kiêu ngạo ngu xuẩn của mình, tôi đã gây ra thiệt hại từ lớn tới nhỏ cho dự án mình tham gia. Người ta vẫn nói: “Kẻ biết một chút tự tin hơn cả chuyên gia!”

    May mắn thay, trong quá trình làm việc với khách hàng Nhật, tôi dần dần thay đổi.

    Giai đoạn 1: Code xong, khách hàng review kêu sửa lại. Làu bàu chửi đổng: “Code chạy là được, màu mè mấy cái linh tinh”. Tuổi trẻ mà, bị chỉnh sửa khiển trách một tí là phản ứng ngay! Nhưng thôi cứ làm theo vậy.

    Giai đoạn 2: Code xong, khách hàng kêu có idea giải quyết hay hơn. Càm ràm: “Idea gì kì quặc vậy, chạy thế nào được!” Test xong, chạy được thật mà còn nhanh nữa chứ! Nhìn lại thấy mình hời hợt và vô trách nhiệm với chất lượng công việc hết sức. Lúc đó bắt đầu để ý, người Nhật luôn có câu: “Please share your idea”. Dù thật sự đa phần những ý kiến và chỉnh sửa của họ cực kỳ chính xác. Sau này mới biết, đó không chỉ là phép lịch sự, đó còn là hệ tư tưởng của việc duy trì tinh thần khiêm tốn và học hỏi.

    Giai đoạn 3: Code xong, đọc kỹ càng lại, review câu cú của commit message, kiểm tra lại email, báo cáo trước khi gửi. Khách hàng phản hồi: “Tốt lắm, nhưng tao vẫn lo lắng về chỗ này, chỗ này… liệu có cách nào hay hơn không”. Người Nhật cân nhắc rất nhiều khía cạnh ảnh hưởng đến từ bất kỳ thay đổi nào, họ tỉ mỉ kiểm tra từng phần, từng phần một và lên kế hoạch dài hạn để đảm bảo việc thay đổi và mở rộng sẽ dễ dàng nhất có thể.

    Giai đoạn 4: Đọc kỹ, cố gắng hiểu lý do và tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho vấn đề, rồi mới bắt đầu làm. Chất lượng công việc cải thiện hẳn, những phản hồi yêu cầu chỉnh sửa qua lại giảm dần và hai bên bắt đầu cần chia sẻ ý tưởng lẫn nhau thay vì từ 1 phía.

    Trải qua quá trình làm việc với người Nhật, tự bản thân cũng thay đổi theo chiều hướng tốt lên: Kiên nhẫn, từ tốn lại, giảm cái tôi xuống và tỉ mỉ, chỉn chu hơn trước rất nhiều.

    2. Chia sẻ kiến thức và tận tâm

    Bạn muốn trở thành người không thể thay thế. Bạn muốn tận hưởng cảm giác mình là người quan trọng, dự án thiếu bạn một, hai ngày là rối tung rối mù lên, vấn đề mà xảy ra thì chỉ có bạn giải quyết được! Cảm giác của siêu anh hùng – kẻ xuất hiện phút cuối và được cả thế giới mong chờ! Đây là điều rất bình thường của bất kỳ cá nhân nào. Theo tháp nhu cầu, vinh quang chính là mong muốn sau cùng sau khi thỏa mãn tất cả nhu cầu căn bản như an toàn, ăn uống, yêu thương…

    Tin tốt là nó sẽ cho bạn động lực và quyết tâm làm việc, nhưng trái lại nó dễ biến bạn thành kẻ ích kỷ – người không muốn chia sẻ những gì mình biết, những kiến thức hữu dụng trong dự án. Vì đơn giản, bạn không muốn mất cái danh hiệu, cái vinh quang của key-member!

    Người Nhật thì không thế, thay vì ôm khư khư những bí mật trong dự án, họ không chút nề hà hướng dẫn và chỉ bảo để những người khác cùng tiến bộ với mình. Có 3 nguyên nhân chính:

    • Dự án là quan trọng nhất. Tập thể là ưu tiên số 1. Càng nhiều người rõ về dự án thì càng giảm thiểu lỗi lầm và nâng cao chất lượng.
    • Dạy người tức là dạy mình. Khi truyền đạt kiến thức cũng là lúc chúng ta xem xem liệu những gì mình biết, mình hiểu đã chính xác chưa, từ đó bổ sung thiếu sót của mình
    • Bạn chỉ mãi key-member cho mỗi dự án đó và không còn cơ hội học hỏi thêm. Tác giả có 1 năm lâm vào tình trạng đó, khi là người nắm rõ dự án nhất, có vấn đề xảy ra là OT, ON liên tục, không còn thời gian học hay làm cái khác. Nếu thế làm sao tiến bộ được.

    Một dự án thành công, không chỉ là ra sản phẩm tốt mà còn đào tạo ra những người từ dở thành giỏi, từ giỏi thành xuất sắc, xây nên một nền móng vững chắc với nhiều tầng lớp kế thừa. Có như vậy mới phát triển lâu dài được. Nói vui thì giống như trong kiếm hiệp vậy, tổ sư muốn bế quan luyện công thì ít nhất chưởng môn cũng phải đạt tới trình độ nào đó, như thế tổ sư mới có thời gian tu luyện mà đột phá cảnh giới!

    Sự tận tâm, không chấp nhận qua loa, đại khái.

    Trong dự án nếu xảy ra vấn đề hay khó khăn nào đó cần phải điều tra, người Nhật sẽ luôn yêu cầu một bản báo cáo chi tiết để hiểu rõ tận gốc nguyên nhân để lên giải pháp hữu hiệu. Các cách giải thích hời hợt và qua loa là không thể chấp nhận được. Điều đáng ngạc nhiên trong ngành phần mềm là chúng ta có xu hướng “phán” khi sự cố xảy ra, “phán” từ nguyên nhân cho tới giải pháp, thay vì thực nghiệm, kiểm tra một cách kỹ càng.  Điều đó dẫn đến việc xử lý chỉ ở phần ngọn, đầy tính chủ quan và gốc rễ vấn đề vẫn tồn tại.

    Chính bản thân tác giả cũng từng lâm vào cảnh này: “Code mình sai thế quái nào được”, khi performance của hệ thống ngày càng giảm theo lượng message tăng lên. Rồi đã report một cách cẩu thả là: Hệ thống đạt đến ngưỡng, cứ tăng dần khả năng tải lên là được (ý là người dùng nhiều, thì cứ thêm tiền là ổn). Ở đây có 2 sai lầm: Thứ nhất đã không điều tra cẩn thận, xem xét mọi khả năng để kết luận. Thứ 2, chọn cách dễ nhất cho mình và thiệt hại lớn nhất cho khách hàng để nhẹ thân và phủi trách nhiệm. Về sau, tìm ra nguyên nhân là do cách query (code) và thiết kế database không phù hợp. Cuối cùng, sau khi tìm ra nguyên nhân thực sự và chỉnh sửa lại, hệ thống có thể hoạt động trơn tru với số tiền còn ít hơn lúc trước!

    Một ví dụ khác như việc chống ngập cho thành phố Hồ Chí Minh: Bơm nước, tăng cường lọc rác ở các cống có thể cải thiện được trong chốc lát nhưng rồi thành phố cũng vẫn sẽ chìm trong bể nước thôi, bởi ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân vẫn thế, quy hoạch bát nháo vẫn thế… Điều đáng làm ở đây phải là một kế hoạch thay đổi tư duy, cách cư xử của người dân về môi trường kết hợp việc thẩm định và từ chối bất kỳ dự án bất động sản nào ảnh hưởng tới nền đất Hồ Chí Minh đồng thời cải tạo hệ thống giao thông, thoát nước…

    Còn nhiều thứ khác mà tác giả học hỏi được khi làm việc với khách hàng Nhật, ở trên chỉ là những gì ấn tượng nhất nên mới viết ra được. Chia sẻ tại đây câu chuyện và những bài học của các bạn nhé.

    Post Comment

    Contact